Thứ Tư, 14 tháng 12, 2011

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Hướng tới không còn người nhiễm mới HIV


Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, trong gần 4 năm trở lại đây, chúng ta đã đạt được “3 giảm” là giảm số ca nhiễm mới HIV, giảm số người nhiễm HIV chuyển sang giai đoạn AIDS và giảm số người tử vong do AIDS.
Chúng ta đã trải qua hơn 20 năm phòng, chống HIV/AIDS. Nhân Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS năm 2011, xin Bộ trưởng cho biết một số thành tựu mà chúng ta đã đạt được trong thời gian qua?
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Phải nói rằng, trong 20 năm qua Việt Nam đã kiên trì và nỗ lực đương đầu với HIV/AIDS bằng nhiều giải pháp quyết liệt và đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
 PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến- Bộ trưởng Y tế, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm.
PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến- Bộ trưởng Y tế, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm.
Ngoài thành công trong công tác chỉ đạo, lãnh đạo; hoàn thiện hệ thống chính sách và pháp luật; phối hợp đa ngành và huy động cộng đồng; mở rộng hợp tác quốc tế và huy động nguồn lực…như đã nêu trên, ở đây, chúng tôi có thể tóm tắt một số thành tựu chính trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ như sau:
Công tác thông tin, giáo dục và truyền thông thay đổi hành vi đã được triển khai trên toàn quốc với sự tham gia của các bộ, ban, ngành, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân; với nhiều nhiều hình thức đa dạng, phong phú; với nhiều mô hình truyền thông trực tiếp có hiệu quả (Câu lạc bộ; nhóm Tuyên truyền viên, cộng tác viên…) được triển khai tại cộng đồng dân cư… đã có tác động đáng kể đến sự thay đổi kiến thức và hành vi về phòng, chống HIV/AIDS trong các cấp lãnh đạo và nhân dân, đặc biệt là trong các nhóm người có hành vi nguy cơ cao.
Theo kết quả điều tra quốc gia về hành vi kết hợp với các chỉ số sinh học cho thấy kiến thức phòng, chống HIV/AIDS trong nhóm nguy cơ cao đã tăng lên, tỷ lệ người được điều tra trả lời đúng tất cả biện pháp dự phòng lây truyền HIV và từ chối những quan điểm sai lầm về đường lây truyền HIV trong nhóm nghiện chích ma túy tăng lên 47,6% năm 2009; trong nhóm nữ bán dâm tăng lên 54,7% năm 2009. So sánh điều tra trong nhóm thanh niên 15-24 tuổi cho thấy thanh niên độ tuổi 15-24 hiểu đầy đủ đường lây truyền HIV và phản đối những quan niệm sai lầm về đường lây truyền HIV đã tăng từ 46% năm 2005 lên 57% năm 2009.
Hoạt động can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV đang tiếp tục được đẩy mạnh và có nhiều kết quả nổi bật. Cùng với các hoạt động tiếp cận cộng đồng, tiếp cận đồng đẳng, truyền thông thay đổi hành vi, khuyến khích và hướng dẫn sử dụng bơm kim tiêm sạch, bao cao su…số bơm kim tiêm phân phát tăng dần qua các năm từ 2 triệu chiếc vào năm 2006 lên khoảng 27 triệu chiếc vào năm 2010. Số bao cao su được phân phát tăng nhanh từ 9 triệu chiếc năm 2006 lên trên 25 triệu chiếc năm 2010.
Kết quả điều tra hành vi và các chỉ số sinh học trong nhóm nguy cơ cao năm 2009 cũng cho thấy, 69,7% nữ bán dâm cho biết đã nhận được bao cao su trong 12 tháng qua, tỷ lệ này cao gấp 2 lần so với kết quả điều tra năm 2006; tỷ lệ nữ bán dâm cho biết sử dụng bao cao su trong lần quan hệ gần nhất với khách hàng đã ở mức khá cao, vào khoảng  89% vào năm 2009.
Một thành công lớn nữa là chúng ta đã thí điểm và đang mở rộng chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc mathadone. Tính đến hết tháng 9/2011, đã có 9 tỉnh/thành phố triển khai chương trình này, với tổng số 30 cơ sở điều trị Methadone đang hoạt động và 4.996 bệnh nhân đang được điều trị… Các hoạt động can thiệp giảm tác hại nói trên đã góp phần quan trọng vào việc làm giảm tỷ lệ hiện nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy từ 28,6% vào năm 2004 xuống còn 17,24% vào năm 2010 và tỷ lệ hiện nhiễm HIV trong nhóm nữ bán dâm được kiềm chế ở mức dưới 4% trong nhiều năm.
Chương trình chăm sóc, hỗ trợ và điều trị người nhiễm HIV đã tập trung triển khai tại các cơ sở y tế tại tuyến tỉnh và tuyến huyện với các gói dịch vụ chăm sóc kết hợp giữa cơ sở y tế với dịch vụ chăm sóc dựa vào gia đình và cộng đồng. Trong những năm qua, chương trình không ngừng mở rộng, từ 2 điểm điều trị ARV năm 2003 lên 56 điểm năm 2006 và đạt 315 điểm điều trị ARV ở thời điểm tháng 9 năm 2011, với hơn 56 nghìn bệnh nhân HIV/AIDS, trong đó có 3.088 bệnh nhân là trẻ em đang được điều trị bằng thuốc kháng vi rút (ARV). Với việc mở rộng việc tiếp cận với chương trình điều trị ARV những năm qua chúng ta đã cứu sống được hàng chục ngàn bệnh nhân AIDS…
Với những thành tựu kể trên, trong gần 4 năm trở lại đây, chúng ta đã đạt được “3 giảm”: Giảm số ca nhiễm mới HIV, giảm số người nhiễm HIV chuyển sang giai đoạn AIDS và giảm số người tử vong do AIDS. Từ đó, chúng ta đã kiềm chế được tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư năm 2010 ở mức 0,26% thấp hơn mục tiêu 0,3% đã đề ra trong Chiến lược quốc gia phòng, chống AIDS đến năm 2010. Với tỷ lệ này, Việt Nam tiếp tục là nước có tỷ lệ hiện nhiễm HIV thấp trong khu vực và được quốc tế đánh giá cao.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-Moon trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 10/2010 đã đánh giá “Việt Nam đã đẩy mạnh ứng phó với HIV một cách đáng kể trong những năm gần đây và đã đạt được những bước tiến ấn tượng”. Thành công trên của công cuộc phòng, chống HIV/AIDS còn đã góp phần vào việc ổn định và phát triển kinh tế xã hội của đất nước và chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Thưa Bộ trưởng – Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm nay đã chính thức được Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm phát động với chủ đề: “Hướng tới không còn người nhiễm mới HIV”. Xin Bộ trưởng có thể nói rõ hơn lý do tại sao Việt Nam lại chọn chủ này?
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Vào tháng 6/2011, tại Hội nghị cấp cao của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc, Chương trình Phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) đã chính thức công bố chủ đề chung cho các Chiến dịch Phòng, chống AIDS toàn cầu trong giai đoạn 2011-2015 là “Getting to zero” nghĩa là “Hướng tới mục tiêu ba không: Không còn người nhiễm mới HIV, không còn người tử vong do AIDS và không còn kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS”.
Từ chủ đề chung của Chiến dịch Phòng, chống HIV/AIDS toàn cầu cho giai đoạn 2011-2015, Liên Hợp Quốc khuyến cáo, hàng năm các quốc gia, tùy theo tình hình dịch HIV/AIDS và thực tế công tác phòng, chống HIV/AIDS có thể lựa chọn các ưu tiên khác nhau để hướng tới mục tiêu “Ba không” nói trên. Việt Nam đã chính thức chọn chủ đề cho Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2011 là “Hướng tới không còn người nhiễm mới HIV”.
Năm 2011 này, chúng ta tập trung vào chủ đề “Hướng tới không còn người nhiễm mới HIV” vì nhiều lý do. Trước hết là xuất phát từ tình hình dịch HIV/AIDS ở nước ta hiện nay. Như đã đề cập ở trên, trong gần 4 năm trở lại đây, chúng ta đã đạt được “3 giảm” và kiềm chế được tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư năm 2010 ở mức 0,26% thấp hơn mục tiêu 0,3% đã đề ra trong Chiến lược quốc gia phòng, chống AIDS đến năm 2010. Tuy nhiên, tình hình lây nhiễm HIV vẫn tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp. Số người mới nhiễm HIV được phát hiện hàng năm vẫn còn nhiều. Sự lây truyền HIV qua quan hệ tình dục có xu hướng gia tăng, kéo theo sự gia tăng nhiễm HIV trong phụ nữ và trẻ em. Trong khi đó, kiến thức chung về HIV/AIDS và việc thực hiện hành vi an toàn phòng lây nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư vẫn chưa đạt yêu cầu, đặc biệt là trong các nhóm người sử dụng ma túy, người mua-bán dâm, người di cư biến động… Sự kỳ thị và phân biệt đối xử với những người nhiễm và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS vẫn còn khá nặng nề, mạng lưới cung cấp dịch vụ ở một số địa bàn, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa còn hạn chế… Đây chính là những nguy cơ tiềm tàng có thể gây bùng nổ dịch trở lại nếu chúng ta lơ là, chủ quan, mất cảnh giác. Do vậy việc kiểm soát, ngăn chặn để “không còn người nhiễm mới HIV” là mối quan tâm hàng đầu của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay và chính vì vậy, chúng ta đã chọn chủ đề “Hướng tới mục tiêu không còn người nhiễm mới HIV” là chủ đề cho tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm 2011.
Trong thời gian tới chúng ta cần phải làm gì để tiếp tục duy trì việc kiểm soát dịch HIV?
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Để tiếp tục duy trì được dịch HIV với tỷ lệ nhiễm thấp như hiện nay, chúng ta cần triển khai đồng bộ các giải pháp, tuy nhiên một số giải pháp chính cần tập trung đó là:
Thứ nhất, cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Chính quyền các cấp đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và chính sách trong phòng, chống HIV/AIDS. Tăng cường hơn nữa phối hợp liên ngành và huy động cộng đồng trong phòng, chống HIV/AIDS.
Thứ hai, đẩy mạnh công tác thông tin, giáo dục, truyền thông thay đổi hành vi và các hoạt động can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV. Mở rộng và nâng cao chất lượng công tác chăm sóc toàn diện cho người nhiễm HIV/AIDS, tiếp cận điều trị sớm, đẩy mạnh chương trình dự phòng lây truyền từ mẹ sang con. Tăng cường công tác giám sát dịch HIV/AIDS, theo dõi và đánh giá chương trình phòng, chống HIV/AIDS.
Thứ ba, tăng cường huy động nguồn tài chính cho công tác phòng, chống HIV/AIDS nhất là đầu tư kinh phí trong nước, của trung ương và kinh phí địa phương. Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực cho hệ thống phòng, chống HIV/AIDS. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong phòng chống HIV/AIDS.
Trân trọng cám ơn Bộ trưởng.
Ngọc Minh

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: “Không đâu có kiểu bệnh viện như ở Việt Nam”


Đó là nhận xét của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến sau khi đến thăm những khoa, phòng chật kín bệnh nhân tại các bệnh viện ở TP.HCM sáng 28-11.
Làm việc tại ba bệnh viện Ung bướu, Chấn thương chỉnh hình và Nhi Đồng 1 về công tác giảm tải bệnh viện, bộ trưởng tỏ ra bức xúc trước thực trạng hai, ba bệnh nhân phải nằm một giường, thậm chí bệnh nhân nằm cả dưới gầm giường, nhiều bệnh nhân không có giường phải trải chiếu nằm dưới đất…
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến (thứ ba từ trái sang) thăm một bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng tại Bệnh viện Nhi Đồng 1
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến (thứ ba từ trái sang) thăm một bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng tại Bệnh viện Nhi Đồng 1
Bà Tiến nói: “Có thể nói chẳng có bệnh viện nào ở nơi đâu, chỉ tính xung quanh các nước Đông Nam Á thôi, mà bệnh nhân phải nằm dưới đất, dưới gầm giường như chúng ta. Với thực trạng quá tải như thế này, chắc chắn ảnh hưởng đến chất lượng điều trị, chất lượng phục vụ và không thể phát triển các kỹ thuật điều trị chuyên sâu”.
Các giải pháp chỉ giải quyết phần ngọn
Trong báo cáo trình bộ trưởng, Bệnh viện Ung bướu nêu một số giải pháp đang được triển khai nhằm giảm tải như tăng cường nguồn nhân lực, đầu tư trang thiết bị hiện đại nhằm giảm số ngày điều trị trung bình của bệnh nhân nội trú, triển khai mạng công nghệ thông tin, tổ chức khám chữa bệnh sớm từ 6g mỗi ngày, khám thông tầm, điều trị dịch vụ ngoài giờ kể cả thứ bảy, chủ nhật.
Bệnh viện đã thành lập khoa chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối tại nhà, lập đơn vị tư vấn tầm soát ung thư vú, đơn vị tư vấn tầm soát ung thư phụ khoa, thực hiện công tác chỉ đạo tuyến và đề án 1816, tăng cường công tác đào tạo nhân lực, chuyển giao các kỹ thuật lâm sàng, cận lâm sàng cho tuyến dưới… nhưng bệnh viện vẫn luôn trong tình trạng quá tải.
Tương tự, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình còn tăng bàn khám ở các phòng, triển khai phòng khám dịch vụ theo yêu cầu và lịch hẹn; tăng phòng mổ; triển khai phẫu thuật trong ngày, giải quyết nhanh các ca nhẹ và vừa; giải quyết quá tải nội trú bằng cách ký hợp đồng với bệnh viện vệ tinh cho các bệnh nhân chờ mổ và bệnh nhân ổn định phẫu thuật cần an dưỡng. Dù vậy trong sáng 28-11, tại đây vẫn có khoảng 4.000 bệnh nhân nằm điều trị và khám chữa bệnh.
Theo Bệnh viện Nhi Đồng 1, chỉ trong bảy năm qua bệnh viện đã tăng hơn 500 biên chế bác sĩ, điều dưỡng nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh. Nhằm giảm tải, bệnh viện đã tổ chức lọc bệnh và đầu tư năng lực chẩn đoán tại khu phòng khám nhằm giảm nhập viện. Dù bệnh viện đã nỗ lực khống chế tỉ lệ nhập viện và giảm ngày điều trị nhưng tình trạng quá tải tại bệnh viện chưa có chiều hướng giảm.
Trước các giải pháp được các đơn vị nêu ra, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá tất cả chỉ có thể giải quyết phần ngọn là các nhu cầu trước mắt.
Quỹ đất cho y tế quá ít
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhìn nhận từ thời điểm 1975 đến nay, tốc độ tăng dân số đã gấp nhiều lần nhưng cơ sở hạ tầng y tế, số giường bệnh, số bệnh viện được xây mới trên cả nước gần như không thay đổi. “Quỹ đất dành cho bệnh viện quá ít, quá thiếu, trong khi đó đất dành cho khu công nghiệp, khu chế xuất, sân golf quá nhiều” – bà Tiến so sánh.
Bác sĩ Tăng Chí Thượng – giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 – nhận định quá tải sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp nếu không có các giải pháp mang tính đồng bộ và hệ thống: phát triển mạng lưới điều trị (các chuyên khoa) phù hợp với quy mô dân số và thực hiện việc nâng cao năng lực tuyến cơ sở. Riêng tại đơn vị mình, bác sĩ Thượng đề xuất cho phép thực hiện quy hoạch tổng thể và xây mới cơ sở hạ tầng tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 bên cạnh dự án xây bệnh viện nhi mới của TP.
Cũng chung thực trạng về cơ sở hạ tầng, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình cho biết từng phải cải tạo mặt bằng của hội trường giao ban cũ thành phòng bệnh và tăng được… 20 giường. Bệnh viện Ung bướu cũng nêu khó khăn cơ sở vật chất cũ kỹ, chật hẹp so với số lượng bệnh nhân hiện tại, trang thiết bị chưa đủ đáp ứng theo số lượng bệnh nhân.
Chiều cùng ngày, đoàn công tác của Bộ Y tế tiếp tục đi thăm và làm việc tại trạm y tế xã Bình Hưng (huyện Bình Chánh), trạm y tế P.10 (Q.8) và UBND Q.8. Sáng 29-11, đoàn làm việc với UBND, HĐND TP.HCM.
QUỐC NGỌC

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Chống quá tải bệnh viện là nhiệm vụ hàng đầu


Đây là những lời nhận mạnh của PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến – Bộ trưởng Bộ Y tế sau khi tiến hành khảo sát các bệnh viện tuyến trung ương tại Hà Nội và TP HCM.
Dành hai buổi sáng cuối tuần và đầu tuần để đến thăm và làm việc tại Bệnh viện (BV) Bạch Mai và BV K, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến – Bộ trưởng Bộ Y tế đã chia sẻ nhiều băn khoăn, trăn trở và dành nhiều tâm huyết cho công tác giải bài toán quá tải bệnh viện…
Trước khi vào làm việc với các cán bộ chủ chốt của BV Bạch Mai, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiếncùng đoàn công tác của Bộ Y tế đã dành gần 2 giờ để đi thăm trực tiếp bệnh nhân đang điều trị tại các Khoa Ung bướu, Tim mạch, Hồi sức tích cực… Đến khoa phòng nào, Bộ trưởng cũng đau đáu một niềm hy vọng làm thế nào để không còn tình trạng quá tải, người bệnh không phải nằm chung giường và người nhà bệnh nhân không còn phải nằm bên hành lang, bởi theo Bộ trưởng “không phải riêng tôi mà chắc hẳn mỗi chúng ta đều cảm thấy đau lòng khi nhìn cảnh người bệnh đã ốm lại phải chịu cảnh nằm chung chật chội khi vào viện…”.
PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế thăm bệnh nhân tại bệnh viện Ung bướu (TP HCM)
PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế thăm bệnh nhân tại bệnh viện Ung bướu (TP HCM)
Báo cáo tại buổi làm việc, PGS.TS Nguyễn Quốc Anh – Giám đốc BV Bạch Mai cho biết, lượng bệnh nhân nội trú điều trị tại BV Bạch Mai liên tục tăng theo các năm. Lượng bệnh nhân ngoại trú đến khám tại BV cũng liên tục gia tăng với gần 800.000 bệnh nhân năm 2010. Tình trạng quá tải tại BV Bạch Mai phổ biến tại 25/26 chuyên khoa, trong đó có một số chuyên khoa thường quá tải khoảng trên dưới 200% như Trung tâm Y học hạt nhân, tim mạch, thận – tiết niệu, hô hấp, thần kinh.
Trước thực trạng này, BV Bạch Mai đã quyết liệt triển khai một số giải pháp đẩy mạnh ứng dụng các kỹ thuật chuyên sâu, kỹ thuật mới nhằm nâng cao chất lượng điều trị và giảm thời gian điều trị. Đồng thời chuẩn hóa các phác đồ điều trị (đến nay bệnh viện đã chuẩn hóa 204 phác đồ chẩn đoán và điều trị chuẩn), đa dạng hóa các loại hình khám chữa bênh và tăng tỷ lệ giường bệnh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh, cải cách thủ tục hành chính và nâng cao năng lực cho tuyến dưới… Do đó, tỷ lệ quá tải của bệnh viện đã giảm từ 217% năm 2007 xuống còn 157% năm 2010.
Tại BV K, TS Bùi Diệu – Giám đốc bệnh viện cho biết, nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nên ngày điều trị trung bình tại bệnh viện hiện nay đã giảm từ 30,2 ngày xuống còn 23,6 ngày. Bước đầu công tác chống quá tải của bệnh viện đã có hiệu quả, số bệnh nhân điều trị nội trú đã giảm dần và tăng số lượng bệnh nhân điều trị ngoại trú…
** Tại TP HCM, đoàn công tác của Bộ Y tế cũng tiến hành khảo sát tình trạng quá tải ở Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện Nhi Đồng 1, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình và một số bệnh viện quận, huyện.
Tại Bệnh viện Ung bướu với 9.000 – 10.000 lượt bệnh nhân điều trị ngoại trú/ngày, Trong khi bệnh viện chỉ có 631 gường bệnh nhưng phải tiếp nhận số bệnh nhân nội trú 1.800 bệnh nhân/ngày (trung bình gần 3 bệnh nhân/giường bệnh). Vì vậy, ngoài việc phải kê thêm các giường bổ sung, trong bệnh viện vẫn xảy ra tình trạng bệnh nhân phải nằm ghép, trải chiếu nằm dưới sàn ở phòng bệnh, thậm chí nằm ngoài hành lang.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhận định, tình trạng quá tải ở đây quá nghiêm trọng, không có một bệnh viện nào ở khu vực Đông Nam Á mà bệnh nhân đứng chật cả từ ngoài cổng; giường bệnh thì nằm ghép 2 – 3 người, thậm chí bệnh nhân phải trải chiếu nằm dưới đất. Nếu tính số lượt khám bệnh trong ngày trên diện tích bệnh viện thì khoảng 10 bệnh nhân/m2 .
Tại BV Chấn thương Chỉnh hình, sáng 28/11 có 3.000 lượt bệnh nhân đến khám và điều trị. Vì quá tải nặng nên tình trạng nằm ghép diễn ra thường xuyên. Vì vậy, biện pháp kê thêm giường ở hành lang để đáp ứng nhu cầu cho bệnh nhân điều trị nội trú cũng đã được bệnh viện áp dụng.
Tương tự, bệnh viện Nhi Đồng 1 chỉ có 1.200 giường bệnh cho tất cả các chuyên khoa, nhưng lúc cao điểm chỉ tính riêng số bệnh nhân bệnh tay chân miệng điều trị nội trú đã lên đến 1.800 người/ngày, điều trị ngoại trú cho hơn 7.000 lượt bệnh nhân.
Hiện nay, TP HCM phải tiếp nhận khám và điều trị cho hơn 30% bệnh nhân từ các tỉnh chuyển về. Ở các bệnh viện chuyên khoa, tuyến cuối thì con số này lên đến 50 – 60%, tạo ra áp lực quá lớn. Tình trạng quá tải bệnh viện ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng khám chữa bệnh, bệnh nhân phải chờ đợi lâu, chất lượng khám chữa bệnh không đạt như mong muốn, môi trường bệnh viện dễ bị nhiễm khuẩn, mất an ninh trong bệnh viện…
Sau nhiều ngày khảo sát, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá cao những nỗ lực của các bệnh viện trong việc thực hiện chống quá tải. Song, việc chống quá tải bệnh viện không chỉ làm ngày một ngày hai mà cần phải có lộ trình thực hiện và cần phải có sự hỗ trợ cả về cơ chế và chính sách của Nhà nước về tài chính, cơ sở vật chất.
Về phía các bệnh viện, Bộ trưởng cũng yêu cầu cần tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng các kỹ thuật cao, chuyên sâu trong khám chữa bệnh; thực hiện sàng lọc bệnh nhân thật tốt và mở rộng điều trị ngoại trú, đẩy mạnh thực hiện các dự án BV vệ tinh và Đề án 1816 để giảm tình trạng bệnh nhân vượt tuyến…
Theo Bộ trưởng, giải quyết tình trạng quá tải bệnh viện là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong 7 nhiệm vụ của ngành y tế trong nhiệm kỳ này. Tuy nhiên, để giải bài toán chống quá tải bệnh viện không chỉ là mối quan tâm, mong muốn của ngành y tế mà còn cần có sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, có như vậy chống quá tải bệnh viện mới thành công thực sự. Do đó, tới đây, Bộ Y tế sẽ chính thức xây dựng đề án giảm tải để trình Chính phủ, trong đó nhấn mạnh đến các bệnh viện chuyên khoa ung bướu, nhi, tim mạch…
T.H