Thứ Tư, 14 tháng 12, 2011

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Chống quá tải bệnh viện là nhiệm vụ hàng đầu


Đây là những lời nhận mạnh của PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến – Bộ trưởng Bộ Y tế sau khi tiến hành khảo sát các bệnh viện tuyến trung ương tại Hà Nội và TP HCM.
Dành hai buổi sáng cuối tuần và đầu tuần để đến thăm và làm việc tại Bệnh viện (BV) Bạch Mai và BV K, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến – Bộ trưởng Bộ Y tế đã chia sẻ nhiều băn khoăn, trăn trở và dành nhiều tâm huyết cho công tác giải bài toán quá tải bệnh viện…
Trước khi vào làm việc với các cán bộ chủ chốt của BV Bạch Mai, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiếncùng đoàn công tác của Bộ Y tế đã dành gần 2 giờ để đi thăm trực tiếp bệnh nhân đang điều trị tại các Khoa Ung bướu, Tim mạch, Hồi sức tích cực… Đến khoa phòng nào, Bộ trưởng cũng đau đáu một niềm hy vọng làm thế nào để không còn tình trạng quá tải, người bệnh không phải nằm chung giường và người nhà bệnh nhân không còn phải nằm bên hành lang, bởi theo Bộ trưởng “không phải riêng tôi mà chắc hẳn mỗi chúng ta đều cảm thấy đau lòng khi nhìn cảnh người bệnh đã ốm lại phải chịu cảnh nằm chung chật chội khi vào viện…”.
PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế thăm bệnh nhân tại bệnh viện Ung bướu (TP HCM)
PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế thăm bệnh nhân tại bệnh viện Ung bướu (TP HCM)
Báo cáo tại buổi làm việc, PGS.TS Nguyễn Quốc Anh – Giám đốc BV Bạch Mai cho biết, lượng bệnh nhân nội trú điều trị tại BV Bạch Mai liên tục tăng theo các năm. Lượng bệnh nhân ngoại trú đến khám tại BV cũng liên tục gia tăng với gần 800.000 bệnh nhân năm 2010. Tình trạng quá tải tại BV Bạch Mai phổ biến tại 25/26 chuyên khoa, trong đó có một số chuyên khoa thường quá tải khoảng trên dưới 200% như Trung tâm Y học hạt nhân, tim mạch, thận – tiết niệu, hô hấp, thần kinh.
Trước thực trạng này, BV Bạch Mai đã quyết liệt triển khai một số giải pháp đẩy mạnh ứng dụng các kỹ thuật chuyên sâu, kỹ thuật mới nhằm nâng cao chất lượng điều trị và giảm thời gian điều trị. Đồng thời chuẩn hóa các phác đồ điều trị (đến nay bệnh viện đã chuẩn hóa 204 phác đồ chẩn đoán và điều trị chuẩn), đa dạng hóa các loại hình khám chữa bênh và tăng tỷ lệ giường bệnh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh, cải cách thủ tục hành chính và nâng cao năng lực cho tuyến dưới… Do đó, tỷ lệ quá tải của bệnh viện đã giảm từ 217% năm 2007 xuống còn 157% năm 2010.
Tại BV K, TS Bùi Diệu – Giám đốc bệnh viện cho biết, nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nên ngày điều trị trung bình tại bệnh viện hiện nay đã giảm từ 30,2 ngày xuống còn 23,6 ngày. Bước đầu công tác chống quá tải của bệnh viện đã có hiệu quả, số bệnh nhân điều trị nội trú đã giảm dần và tăng số lượng bệnh nhân điều trị ngoại trú…
** Tại TP HCM, đoàn công tác của Bộ Y tế cũng tiến hành khảo sát tình trạng quá tải ở Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện Nhi Đồng 1, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình và một số bệnh viện quận, huyện.
Tại Bệnh viện Ung bướu với 9.000 – 10.000 lượt bệnh nhân điều trị ngoại trú/ngày, Trong khi bệnh viện chỉ có 631 gường bệnh nhưng phải tiếp nhận số bệnh nhân nội trú 1.800 bệnh nhân/ngày (trung bình gần 3 bệnh nhân/giường bệnh). Vì vậy, ngoài việc phải kê thêm các giường bổ sung, trong bệnh viện vẫn xảy ra tình trạng bệnh nhân phải nằm ghép, trải chiếu nằm dưới sàn ở phòng bệnh, thậm chí nằm ngoài hành lang.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhận định, tình trạng quá tải ở đây quá nghiêm trọng, không có một bệnh viện nào ở khu vực Đông Nam Á mà bệnh nhân đứng chật cả từ ngoài cổng; giường bệnh thì nằm ghép 2 – 3 người, thậm chí bệnh nhân phải trải chiếu nằm dưới đất. Nếu tính số lượt khám bệnh trong ngày trên diện tích bệnh viện thì khoảng 10 bệnh nhân/m2 .
Tại BV Chấn thương Chỉnh hình, sáng 28/11 có 3.000 lượt bệnh nhân đến khám và điều trị. Vì quá tải nặng nên tình trạng nằm ghép diễn ra thường xuyên. Vì vậy, biện pháp kê thêm giường ở hành lang để đáp ứng nhu cầu cho bệnh nhân điều trị nội trú cũng đã được bệnh viện áp dụng.
Tương tự, bệnh viện Nhi Đồng 1 chỉ có 1.200 giường bệnh cho tất cả các chuyên khoa, nhưng lúc cao điểm chỉ tính riêng số bệnh nhân bệnh tay chân miệng điều trị nội trú đã lên đến 1.800 người/ngày, điều trị ngoại trú cho hơn 7.000 lượt bệnh nhân.
Hiện nay, TP HCM phải tiếp nhận khám và điều trị cho hơn 30% bệnh nhân từ các tỉnh chuyển về. Ở các bệnh viện chuyên khoa, tuyến cuối thì con số này lên đến 50 – 60%, tạo ra áp lực quá lớn. Tình trạng quá tải bệnh viện ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng khám chữa bệnh, bệnh nhân phải chờ đợi lâu, chất lượng khám chữa bệnh không đạt như mong muốn, môi trường bệnh viện dễ bị nhiễm khuẩn, mất an ninh trong bệnh viện…
Sau nhiều ngày khảo sát, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá cao những nỗ lực của các bệnh viện trong việc thực hiện chống quá tải. Song, việc chống quá tải bệnh viện không chỉ làm ngày một ngày hai mà cần phải có lộ trình thực hiện và cần phải có sự hỗ trợ cả về cơ chế và chính sách của Nhà nước về tài chính, cơ sở vật chất.
Về phía các bệnh viện, Bộ trưởng cũng yêu cầu cần tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng các kỹ thuật cao, chuyên sâu trong khám chữa bệnh; thực hiện sàng lọc bệnh nhân thật tốt và mở rộng điều trị ngoại trú, đẩy mạnh thực hiện các dự án BV vệ tinh và Đề án 1816 để giảm tình trạng bệnh nhân vượt tuyến…
Theo Bộ trưởng, giải quyết tình trạng quá tải bệnh viện là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong 7 nhiệm vụ của ngành y tế trong nhiệm kỳ này. Tuy nhiên, để giải bài toán chống quá tải bệnh viện không chỉ là mối quan tâm, mong muốn của ngành y tế mà còn cần có sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, có như vậy chống quá tải bệnh viện mới thành công thực sự. Do đó, tới đây, Bộ Y tế sẽ chính thức xây dựng đề án giảm tải để trình Chính phủ, trong đó nhấn mạnh đến các bệnh viện chuyên khoa ung bướu, nhi, tim mạch…
T.H

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét